Lượt xem: 1171

Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng

Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; qua đó góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh.

 


Đồng chí Hồ Thị Cẩm Đào - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng trao bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị cho học viên. Ảnh: Phước Liêu

 

    Nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển toàn diện, nhanh và bền vững của đất nước và của địa phương, đơn vị; là một trong những yếu tố quyết định đối với quá trình lao động sản xuất, kinh doanh của nhà đầu tư, doanh nghiệp nhằm phát triển ổn định, hiệu quả.

    Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định một trong ba đột phá chiến lược là: “Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho công tác lãnh đạo, quản lý và các lĩnh vực then chốt trên cơ sở nâng cao, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ, toàn diện, cơ bản về chất lượng giáo dục, đào tạo gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng và phát triển mạnh khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo…”.

    Để thực hiện thắng lợi đột phá về phát triển nguồn nhân lực theo Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 11/7/2021 về phát triển nguồn nhân lực tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Đề án số 02-ĐA/TU, ngày 10/9/2021 về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021 -2025.

    Mục tiêu của Đề án số 02-ĐA/TU hướng đến là nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh và cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; đủ về số lượng và có cơ cấu phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của tỉnh; gắn kết đào tạo, bồi dưỡng với công tác quy hoạch, bố trí và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, mục tiêu trọng tâm đề ra đến năm 2025 là tập trung đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn sau đại học cho cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh là: 70% Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; 50% cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý; 40% ủy viên ban chấp hành đảng bộ cấp huyện và tương đương; 30% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương có trình độ chuyên môn sau đại học và đang tham gia đào tạo sau đại học.

    Để cụ thể hóa mục tiêu nêu trên và xuất phát từ nhu cầu thực tế, hằng năm tỉnh đều chỉ đạo xây dựng và tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng làm cơ sở để các địa phương, đơn vị triển khai thực hiện; kịp thời ban hành các văn bản quy định về chế độ, chính sách đào tạo, bồi dưỡng. Các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể kịp thời triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của công tác đào tạo, bồi dưỡng phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị. Cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm trang bị, bảo đảm cho việc giảng dạy và học tập.

    Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thời gian qua đã góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng công tác, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ từ tỉnh đến cơ sở. Các đồng chí được cử đi đào tạo, bồi dưỡng đa số đều trưởng thành về mọi mặt; nhiều đồng chí được bổ nhiệm các chức vụ cao hơn; một số đồng chí giữ cương vị chủ chốt của các ban, ngành tỉnh và địa phương cấp huyện, góp phần quan trọng vào quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ tỉnh.

    Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh nói riêng, đòi hỏi cần có sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, nhất là vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức. Trong đó, cần tiếp tục quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp mà Đề án số 02-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nêu ra.

    Một là, tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, thủ trưởng cơ quan, đơn vị đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; thống nhất trong nhận thức, công tác chỉ đạo, tham mưu và tổ chức thực hiện của các cơ quan, đơn vị, xem hoạt động đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức là một bộ phận của công tác cán bộ, chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy. Các cấp, các ngành quản lý, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức chủ động thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm và quy hoạch sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số.

    Hai là, thực hiện kịp thời các chính sách hiện hành của Trung ương và của tỉnh đối với cán bộ, công chức, viên chức được cử đi học; nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số chính sách hiện hành của tỉnh và ban hành một số chính sách mới để thu hút nhân lực và thúc đẩy công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của tỉnh; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của tỉnh; bảo đảm ứng dụng công nghệ thông tin, hệ thống đường truyền kết nối trong thực hiện áp dụng giảng dạy trực tuyến đáp ứng yêu cầu dạy và học theo phương pháp mới.

    Ba là, tập trung đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch cán bộ, theo tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm; quan tâm đào tạo cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số; gắn đào tạo, bồi dưỡng qua trường lớp với đào tạo, bồi dưỡng từ thực tiễn. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức đào tạo, bồi dưỡng; đa dạng hóa các hình thức giảng dạy, đặc biệt là chuẩn bị các điều kiện cần thiết để áp dụng hình thức giảng dạy trực tuyến, kịp thời ứng phó trong những trường hợp không mong muốn phát sinh như dịch bệnh, thiên tai,... Đào tạo, bồi dưỡng phải gắn với bố trí, sử dụng sau đào tạo và phải theo chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong từng thời kỳ; xây dựng đội ngũ cán bộ tham mưu có năng lực đề xuất, xây dựng các chính sách phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

    Bốn là, quán triệt và nâng cao nhận thức về trách nhiệm, đề cao tinh thần học tập và tự học tập suốt đời của cán bộ, công chức, viên chức; xác định rõ việc học tập đáp ứng các tiêu chuẩn trình độ quy định cho các ngạch, chức danh lãnh đạo, quản lý; học tập, rèn luyện để thực hiện có chất lượng, hiệu quả nhiệm vụ, công vụ được giao, trước hết là nhiệm vụ của bản thân người cán bộ, công chức, viên chức.

    Năm là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh và sự phối hợp giữa Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Trường Chính trị tỉnh, các ngành, các cấp và các cơ sở đào tạo trong khảo sát nhu cầu, xây dựng, tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng; trên cơ sở dự báo, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đánh giá đúng thực trạng đội ngũ cán bộ, cần tập trung đào tạo, bồi dưỡng trình độ chuyên môn sâu, các chuyên ngành mà tỉnh còn thiếu trước mắt và lâu dài. Quan tâm cử đào tạo sau đại học phù hợp với đối tượng; chú trọng đào tạo chuyên sâu những ngành, lĩnh vực cần thiết, mũi nhọn, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

    Sáu là, chú trọng xây dựng đội ngũ viên chức, giảng viên bảo đảm cơ cấu cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học tại các cơ sở đào tạo có số lượng phù hợp so với tổng biên chế theo quy định. Các cơ sở đào tạo tiếp tục thực hiện tốt công tác xét chọn, cử giảng viên tham gia đào tạo sau đại học và tham gia các lớp đào tạo lý luận chính trị cho đội ngũ giảng viên đạt chuẩn theo quy định. Đồng thời, quan tâm cử giảng viên tham gia một số đoàn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm; các lớp bồi dưỡng ngắn hạn tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp giảng dạy.

    Tin tưởng rằng, với sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đơn vị, nhất là vai trò tham mưu của Ban Tổ chức Tỉnh ủy và Sở Nội vụ, chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị sẽ được nâng cao, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

CT



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 6749
  • Trong tuần: 77,456
  • Tất cả: 11,800,776